Blog hướng dẫn các cách download kiến thức kinh nghiêm thủ thuật chia sẻ phần mềm tool soft miễn phí là gì. Blog.locbanbekhongtuongtac.com

Table of Content

Bài đăng

Phương pháp dạy trẻ tự kỷ trong lớp hòa nhập

Một số biện pháp giúp trẻ tự kỷ học hòa nhập trong trường mầm non

Đọc bài Lưu

MUÏC LUÏC

I. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

2. Mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu.

4. Giới hạn phạm vi nghiên cứu

5. Phương pháp nghiên cứu

II. PHẦN NỘI DUNG

1.Cơ sở lý luận

2.Thực trạng về việc giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập trong trường Mầm Non.

3.Kết quả đạt được

4.Hạn chế

III. GIẢI PHÁP,BIỆN PHÁP.

1. Mục tiêu của giải pháp, biện pháp

2. Nội dung và cách thực hiện các giải pháp, biện pháp

IV. KẾT QUẢ THU ĐƯỢC QUA KHẢO NGHIỆM, GIÁ TRỊ KHOA HỌC CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

2. Kiến nghị

I. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Hiện nay tự kỷ là một vấn đề nóng trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng cao. Theo một khảo sát hồi tháng 3-2014 của Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Hội Tự kỷ Mỹ, tỉ lệ trẻ tự kỷ ở nước này là 1,5%. Tại Việt Nam, theo một thống kê chưa đầy đủ, khoảng 160.000 trẻ mắc bệnh tự kỷ.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta hiện có khoảng 5%-7% trẻ em có khuyết tật ở độ tuổi 15 trở xuống. Trong đó, trẻ tự kỷ và bại não chiếm 40%. BV Châm cứu trung ương thống kê hằng năm, khoảng 3.000 lượt trẻ có vấn đề về não và tự kỷ đến điều trị. Trong khi đó, theo ghi nhận của BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), năm 2014 có đến gần 3000 lượt trẻ tự kỷ đến khám. Một vấn đề khá đau đầu với các chuyên gia là số trẻ tự kỷ được phát hiện muộn khá cao. Tại BV Nhi trung ương, số trẻ phát hiện muộn là 44%.

Theo TS. Đào Thu Thủy, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thì số lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng và việc chưa thể kết luận rõ nguyên nhân, cũng như phương pháp điều trị đã khiến nhiều bậc phụ huynh nhầm lẫn cũng là dễ hiểu, hiện nay cứ khoản 166 trẻ em thì có 1 trẻ mắc chứng tự kỷ. Đây là số lượng lớn và đang rất cần được quan tâm, can thiệp sớm.

Vì vậy,việc giáo dục trẻ tự kỷ là hết sức quan trọng và cần thiết để giúp trẻ tự kỷ phát triển hết khả năng và phát huy tiềm năng học hỏi. Ngày nay, giáo dục trẻ tự kỷ là một vấn đề quan trọng trong việc đào tạo thế hệ mầm non của đất nước. Thực tế trong thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An , phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Trụ rất quan tâm đến vấn đề này, đã phát hành các cuốn tài liệu, nhằm hướng dẫn giáo viên cách giáo dục trẻ tự kỷ và học hòa nhập trong các trường mầm non. Đặc biệt trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2015 2016 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Trụ, trường Mẫu Giáo Đức Tân đều đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về việc giáo dục trẻ khuyết tật học và hòa nhập.

Ngay từ đầu năm học Ban giám hiệu trường Mẫu Giáo Đức Tân đã chỉ đạo các lớp rà soát, báo cáo số lượng trẻ khuyết tật trong đại bàn xã trong đó có trẻ tự kỷ, vận động phụ huynh học sinh mạnh dạng đưa trẻ bị bệnh tật, khuyết tật đến lớp học hòa nhập. Ban Giám Hiệu hướng dẫn, chỉ đạo giáo viên lập hồ sơ theo dõi sự phát triển của trẻ, xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục hòa nhập cụ thể, phù hợp với trẻ khuyết tật. Mặc dù được các cấp lãnh đạo và Ban giám hiệu nhà trường quan tâm chỉ đạo sát sao nhưng với tôi đây là một vấn đề rất mới mẻ, hết sức khó khăn.

Tôi xin chia sẽ thật là bản thân tôi có con trai 5 tuổi mắc hội chứng bệnh tự kỷ. Với cương vị vừa là người mẹ vừa là người cô tôi áp dụng một số biện pháp mà tôi đã học được từ những chuyên gia như : Bác sĩ, giáo viên chuyên trị về bệnh tự kỷ , thậm chí tôi học tập kinh nghiệm từ sách vở, tài liệu, intenet và cả những phụ huynh có con bị bệnh tự kỷ như tôi .

Qua một thậm chí hai năm tích cực nghiên cứu, áp dụng các biện pháp hữu hiệu, con tôi phát triển, tiến bộ rõ rệt và các cháu khác trong lớp đã có những kỹ năng giúp đỡ bạn mình hòa nhập và học tập tốt hơn. Do đó tôi xin mạnh dạn trao đổi cùng chị em đồng nghiệp dưới dạng đề tài sáng kiến kinh nghiệm : Một số biện pháp giúp trẻ tự kỷ học hòa nhập trong trường Mầm Non

2. Mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài.

- Đánh giá thực trạng sự nhận thức, tương tác xã hội, giao tiếp xã hội và tưởng tượng của trẻ tự kỷ khi học hòa nhập với môi trường giáo dục bình thường.

- Tìm ra các biện pháp giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập trong môi trường giáo dục bình thường

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu.

- Các biện pháp giáo dục trẻ tự kỷ lớp mẫu giáo lớn học hòa nhập

- Lớp Lá 3 năm học 2015-2016

4. Giới hạn phạm vi nghiên cứu

- Quy mô : Nghiên cứu một số biện pháp giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập trong trường Mầm non.

- Thời gian: Từ ngày 09/2015 đến tháng 5/ 2016

- Không gian: Lớp Lá 3.

5. Phương pháp nghiên cứu

- Nghiên cứu lí luận: Phân tích, đọc sách, chọn lọc, tổng hợp tư liệu

- Nghiên cứu thực tiễn: Quan sát, đàm thoại, ghi chép

II. PHẦN NỘI DUNG

1.Cơ sở lý luận

Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ được thể hiện ra ngoài bằng các khiếm khuyết về tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại.(Theo chuyên trang tự kỷcủa Liên hiệp quốc).

Trẻ tự kỷ thường quá say mê một vật gì đó, lúc nào cũng giữ và ôm khư khư trong tay. Chúng rất thích sắp xếp đồ vật theo thứ tự, ngăn nắp một cách kỳ lạ và có biểu hiện hung hăng khi thứ tự đó bị xáo trộn.Trẻ tự kỷ có kỹ năng cao về nhìn nhận không gian, giỏi học vẹt, hình thức bề ngoài có vẻ linh hoạt, thông minh khác hẳn với các trẻ chậm phát triển trí tuệ. Tình trạng này có thể phát hiện sớm nếu cha mẹ, giáo viên thường xuyên chú ý đến trẻ.Trẻ tự kỷ rất hạn chế trong vấn đề giao tiếp xã hội. Khi giao tiếp thì trẻ tự kỷ không giao tiếp bằng mắt, không có những giao tiếp không lời bằng những cử chỉ cơ thể. Tình cảm rất hạn chế ngay cả với bố mẹ và người thân trong gia đình. Không chia sẻ cảm xúc buồn vui, không quan tâm đến những hoạt động xung quanh trẻ.Trong lớp học, trẻ tự kỷ thường lầm lì, ít nói, cô giáo hỏi không trả lời, ít biểu hiện cảm xúc, không giơ tay phát biểu ý kiến. Không thích hoạt động theo nhóm, và không thiết lập được quan hệ với bạn cùng tuổi. Nếu trẻ phát triển lời nói, thường lời nói cũng sẽ có bất thường. Trẻ không hiểu lời người khác và cũng không biểu đạt được ý nghĩ của mình nên hay nói những câu, từ vô nghĩa hoặc không ăn nhập với hoàn cảnh. Trẻ có thể nhại lại lời nói của người khác một cách chính xác, nhưng thường ít hoặc chẳng hiểu được ý nghĩa của chúng.

Trẻ tự kỷ có những sở thích, thói quen kỳ lạ nên trẻ thường ứng xử không đúng với những chuẩn mực xã hội thông thường. Khi người lớn thấy vậy và ngăn chặn hành vi bất thường đó sẽ làm trẻ rất khó chịu và có những hành vi nổi cáu, la hét, đánh lại người khác. Đồng thời do trẻ tự kỷ gặp khó khăn về ngôn ngữ, không biểu đạt được những ý nghĩ của mình ra ngoài nên người lớn không hiểu trẻ và những nhu cầu của trẻ. Vì vậy, sự khó chịu của trẻ xuất hiện khá thường xuyên so với trẻ bình thường.Trẻ tự kỷcó thể đặt tên riêng cho đồ vật theo cách của mình, hoặc dùng những từ riêng mà người khác không thể hiểu được. Nhưng trẻ không biết sử dụng hoặc sử dụng không đúng các giới từ, liên từ và đại từ.Vì vậy, mỗi một trẻ tự kỷkhác nhau sẽ được tiến hành các phương pháp giáo dục khác nhau. Giáo dục trẻ tự kỷ là cung cấp cho trẻ những hiểu biết ban đầu về cuộc sống xung quanh áp dụng các biện pháp giúp trẻ hòa nhập trong lớp học, đồng thời áp dụng các phương pháp can thiệp hành vi không phù hợp. Từ đó, trẻ tự kỷ biết sống tích cực, có kỹ năng giao tiếp xã hội, phát triển ngôn ngữ, điều chỉnh hành vi phù hợp.

2. Thực trạng về việc giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập trong trường Mầm Non.

- Năm học 2015 2016, tôi được Ban giám hiệu nhà trường phân công phụ trách lớp Lá 3. Lớp có 02 cô giáo phụ trách tổng số 29 cháu, trong đó có 13 cháu gái và 16 cháu trai, có 1 cháu trai mắc bệnh tự kỷ là con tôi : Cháu Nguyễn Bảo Vinh.

- Bản thân tôi vừa là một giáo viên vừa là người mẹ nên rất hiểu về tâm lý của cháu, cộng với tôi có nhiều thời gian tiếp cận cháu.

* Nội dung giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập trong trường mầm non:

- Giáo dục trẻ tham gia vào các bài tập thể dục sáng, thể dục tiết học với các vận động cơ bản theo chủ đề cùng bạn, có sự giúp đỡ của cô.

- Giáo dục trẻ nhận biết và có 1 số hiểu biết cơ bản về thế giới xung quanh qua các chủ đề.

- Giúp trẻ giao tiếp, hỗ trợ trẻ giao tiếp bằng hành động kết hợp nói từ, câu ngắn, không nên cưỡng bắt trẻ phải nói bằng được.

- Hình thành ở trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân (ăn uống vệ sinh: rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín, uống sôi...).

- Hình thành ở trẻ kỹ năng điều chỉnh hành vi, các kỹ năng liên quan đến xúc cảm, tình cảm và tâm lý của trẻ xảy ra trong các thời điểm trong ngày.

3.Kết quả đạt được

+ Thể chất: Sức khỏe phát triển bình thường thể hiện là trẻ khỏe mạnh và ăn uống đủ dinh dưỡng.

+ Kỹ năng vận động thô:Trẻ đi đứng,chạy nhảy, trèo lên cầu thang, bước chân luân phiên nhịp nhàng...

+ Kỹ năng nhận thức: Có khả năng phối hợp tay, mắt, biết cầm bút vẽ, tô màu.

4. Hạn chế

- Bản thân tôi không được theo học chuyên ngành Giáo dục đặc biệt nên chưa có được nhiều kinh nghiệm về giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập trong môi trường giáo dục bình thường.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, chăm sóc giáo dục trẻ được đầu tư đầy đủ, nhưng nhiều khi vẫn chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu và điều kiện cho việc chăm sóc, giáo dục chuyên biệt trẻ tự kỷ. Bên cạnh đó các tài liệu về giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập với môi trường giáo dục bình thường còn ít, nên giáo viên chúng tôi có ít tài liệu để tham khảo và học tập

III.GIẢI PHÁP,BIỆN PHÁP.

1. Mục tiêu của giải pháp, biện pháp

Để nắm được khả năng nhận thức, kỹ năng khi tham gia các hoạt động của trẻ: kỹ năng vận động thô, kỹ năng nhận thức, kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng điều chỉnh hành vi của trẻ tự kỷ thì ngay từ đầu năm học (tháng 9/2014) giáo viên phải tiến hành đánh giá trẻ. Từ đó, giáo viên sẽ xây dựng được những kế hoạch cụ thể để giáo dục trẻ trong năm học và tìm ra những phương pháp, biện pháp phù hợp nhất lồng ghép tích hợp giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập

2. Nội dung và cách thực hiện các giải pháp, biện pháp

* Biện pháp 1: Tìm hiểu sở thích

Giáo viên phải tìm hiểu sở thích của trẻ để vận dụng một cách khéo léo giúp trẻ có hiệu quả hoạt động tốt nhất. Tìm hiểu trẻ thích cái gì (thích ăn gì, uống gì) thích đồ chơi gì, từ đó ta hướng trẻ vào hoạt động theo mục tiêu của ta nhưng phải dựa trên sở thích của trẻ .

* Biện pháp 2: Quan tâm chăm sóc

Dành thời gian vào các giờ nghỉ cá nhân, chăm sóc, hỏi han, dạy dỗ, tạo điều kiện cho cháu hòa nhập với các bạn, bổ sung thêm những kiến thức mà cháu chưa nắm được do tiếp thu chậm. Nếu trẻ sai thì khuyến khích trẻ khác giúp đỡ bạn, không phân biệt kì thị tạo cho trẻ cảm giác cô độc và bị xa lánh.

Cuối tuần tổ chức cho cháu chơi các trò chơi và hướng dẫn cụ thể, khi chơi với các bạn con nên như thế nào và theo dõi chặt chẽ để ý hành động của trẻ,tránh để cho trẻ bị rơi vào tình trạng cô lập hoặc gây những hành động ảnh hưởng đến các bạn khác.

Khi giao việc cho trẻ, GV nên chia công việc theo từng bước nhỏ để trẻ dễ thực hiện. Khi trẻ phá phách hoặc ngang bướng và không biết nghe lời, để giúp trẻ kiềm chế cảm xúc, GV nên đưa trẻ ra chỗ khác trong vài phút (tối đa không quá 5 phút). Chọn một cái ghế hoặc một góc yên tĩnh nào đó và nhẹ nhàng bảo trẻ ngồi xuống (lưu ý đây không phải hình phạt). Khi thời gian nghỉ một chút đã qua, giáo viên trao đổi với trẻ xem có còn quậy phá khi quay lại chơi với các bạn không. Chắc chắn trẻ sẽ có sự thay đổi.

Khi trẻ quá nghịch ngợm, la mắng hay giận dữ với trẻ sẽ phản tác dụng.Tốt nhất là nói chuyện với trẻ bằng giọng nói bình thường, êm dịu.

Và những khoảng thời gian tập trung trên lớp, những biểu hiện cư xử tốt nên được thầy cô khuyến khích. Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách cư xử đúng đắn và thích hợp, chẳng hạn như chờ đến lượt mình, chia sẻ đồ chơi, yêu cầu sự giúp đỡ khi bị trêu chọc. Sau đó trẻ sẽ được thực tập những điều học được. Ngoài ra trẻ sẽ được học cách đọc cảm xúc của người khác qua biểu hiện trên khuôn mặt, giọng nói, để từ đó trẻ có sự phản kháng đúng đắn nhất.

* Biện pháp 3: Kết hợp với cha mẹ học sinh

Xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa trẻ với gia đình (đặc biệt là với mẹ), quan hệ giữa trẻ với giáo viên, với bạn bè và môi trường xung quanh để thiết lập mối quan hệ tương tác xã hội.

Mạnh dạn trao đổi với phụ huynh rằng trường học, bác sĩ tâm lí chỉ là nơi cung cấp cho bố mẹ những kiến thức, hỗ trợ và giám sát chương trình chăm sóc, giáo dục và trị liệu tại chính gia đình các con. Bởi vì sự giao tiếp và hội nhập của các em phải được điều chỉnh ngay chính từ gia đình.

Trao đổi với cha mẹ cháu về những tiến bộ của con khi ở trường, lúc về nhà, những điều chưa khắc phục được và bàn bạc, tìm ra phương pháp có lợi nhất cho sự phát triển của con.

Ở nhà, cha mẹ cần giao tiếp với con nhiều hơn. Nhìn thẳng vào mắt trẻ và trò chuyện, gọi tên con thường xuyên là cách chăm sóc cũng như điều trị tốt.

Nếu trẻ có yêu cầu gì mà chỉ ra hiệu, không nói thì nhất quyết không đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn, nếu trẻ chỉ tay ra đường đòi đi chơi, cần dạy con nói đi thì mới được đi. Nếu cháu nói được thì cần có lời ngợi khen. Kiên nhẫn, trò chuyện với con nhiều hơn

Ngoài những biện pháp trên ta còn có thể áp dụng các biện pháp trị liệu đối với trẻ tự kỷ :

* Biện pháp 4: Trị liệu phân tâm
Phương pháp này chủ yếu là chơi và nói chuyện, nhằm giúp trẻ và gia đình giải tỏa những căng thẳng dồn nén trong quá khứ, hệ thống lại cấu trúc nhân cách của trẻ. Trong trị liệu phân tâm sẽ giúp cải thiện bầu không khí gia đình, giúp mọi người thấu hiểu thực tại và chấp nhận thực tại tốt hơn, mọi người sẽ vui vẻ hơn trong giao tiếp và chăm sóc trẻ. Điều này giúp trẻ tự kỷ cải thiện tình huống giao tiếp và hình thành sự tiếp xúc qua lại. Khuyến khích trẻ hợp tác trong mọi hoạt động sinh hoạt của gia đình, nhà trường và xã hội; từ đó, tình trạng tự kỷ của trẻ được cải thiện dần dần.
* Biện pháp 5: Phương pháp tâm vận động
Một phương pháp kích thích trẻ hoạt hóa hành vi. Quan điểm chi phối của phương pháp là: Vận động (hoạt động) của cơ thể sẽ dẫn đến sự nhanh nhậy hệ thần kinh và tác động đến phát triển tâm lý, vận động về cơ thể càng tăng thì vận động về tâm lý tăng theo; phát triển vận động sẽ dần phát triển tâm lý. Đồng thời sự phát triển tâm lý sẽ kéo theo sự phát triển vận động. Phương pháp này giúp những trẻ em gặp các vấn đề khó khăn về tâm lý có khả năng phối hợp các chức năng tâm trí tản mạn, hướng trẻ đến những hoạt động tâm lý có ý nghĩa cho chính trẻ em đó và cho những người xung quanh. Khả năng hợp tác của trẻ được tăng lên khi áp dụng phương pháp.
* Biện pháp 6: Phương pháp chỉnh âm và trị liệu ngôn ngữ:
Đây là phương pháp can thiệp thường thấy nhất ở trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ có khó khăn về liên hệ; điều này bị chi phối to lớn bởi ngôn ngữ và lời nói. Theo các chuyên gia âm ngữ trị liệu, nếu trẻ tự kỷ biết nói sẽ ảnh hưởng rất tốt cho sự phát triển trong tương lai. Vì vậy ta cần dành nhiều thời gian để dạy cho trẻ khả năng nghe, hiểu lời nói của người khác để phát triển khả năng giao tiếp ở trẻ .
* Biện pháp 7: Trò chơi đóng vai
Đây là sự diễn xuất tình huống, người đóng phải tưởng tượng mình là nhân vật khác, biểu lộ những buồn bực, nóng giận, vui vẻ hạnh phúc mà vai diễn quy định. Ví dụ: tập làm MC, nhạc công, công an, cô giáo, bác sỹ
Trò chơi đóng vai thể hiện mức độ cao trong phát triển nhận thức, nêu trẻ làm tốt phương pháp này thì cơ hội hòa nhập của trẻ hầu như bình thường, có thể tham gia tốt vào đời sống xã hội, cộng động.
* Biện pháp 8: Trị liệu thông qua các môn nghệ thuật
-Âm nhạc trị liệu
Cũng giống như các phương pháp trị liệu hiện nay; trị liệu âm nhạc không thể chữa lành bệnh tự kỷ. Mục tiêu mà trị liệu âm nhạc hướng tới là làm giảm bớt các hành vi bất lợi, tăng cường các tương tác xã hội thông qua âm nhạc. Theo các tác giả của phương pháp này, trị liệu âm nhạc tỏ ra lôi cuốn vì nó vượt qua ngôn ngữ, là một cách dẫn đến thế giới xúc cảm, tình cảm mà những điều này đang gây khó khăn cho trẻ tự kỷ. Thế giới xúc cảm, tình cảm được cho là thế giới lạ lùng của trẻ tự kỷ nhưng âm nhạc có thể thâm nhập vào. Âm nhạc có thể đi xuyên vào cõi tiềm thức, vô thức mà trẻ không hề biết, có sức cuốn hút, thâm nhập mà trẻ không thể kháng cự. Đồng thời trẻ tự kỷ trong khi nhận thức chỉ hiểu được nghĩa đen, nghĩa thực tại hiện hữu của sự vật, khó khăn trong hiểu nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ. Ở đây âm nhạc có lợi vì trẻ có thể thưởng thức nhạc theo nghĩa đen mà không cần theo dõi diễn biến trừu tượng của bản nhạc.
- Vẽ và Nặn
Đây là hoạt động mang tính sáng tạo, dễ thực hiện, không quá coi trọng tính đúng sai của sản phẩm, phát huy khả năng tự do tưởng tượng của trẻ. Thông qua vẽ và nặn, trẻ có thể nâng cao khả năng vận động tinh, khả năng phối hợp tay và mắt, giúp trẻ từng bươc làm chủ các vận đông kỷ xảo trong học viết và các thao tác tinh tế khác. Ngoài ra hoạt động này giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung chú y, làm chủ các hành vi một cách có ý thức.
- Thơ, đồng giao
Do trẻ tự kỷ có khả năng nhớ máy móc hơn nhớ ý nghĩa, nên việc dạy trẻ đọc chữ thông qua thơ đồng giao có giá trị đáng khích lệ. Với những tiết tấu, giai điệu, vần điệu, từ ngữ đơn giản, tươi sáng và dễ hiểu của thơ, đồng giao sẽ giúp cho trẻ dễ tiếp thu hơn. Đây là hình thức học tự do không có áp lực.
* Biện pháp 9: Nhóm
Trẻ tự kỷ gặp khiếm khuyết nghiêm trọng về giao tiếp và tương tác xã hội, phương pháp nhóm giúp trẻ hòa nhập với trẻ em cùng trang lứa với mục đích kích thích trẻ tương tác qua lại với các thành viên khác. Thông qua chơi nhóm, trẻ hiểu những cách ứng xử và quy định của nhóm. Hoạt động của các thành viên chính là những nhân tố kích thích trẻ nhận thức và bắt chước, các thông điệp lời nói và không lời được truyền trong nhóm tác động đến từng thành viên, lôi kéo các thành viên tham gia hoạt động. Tình trạng tự kỷ được cải thiện khi trẻ tự kỷ dần dần chơi tương tác với các thành viên khác trong nhóm.
Có hai loại nhóm: nhóm lớp học và nhóm tự do ngoài môi trường tự nhiên.
* Biện pháp 10: Lao động trị liệu:
Lao động trị liệu hướng dẫn trẻ thực hiện những công việc phải thực hiện hằng ngày tại gia đình hoặc nơi nuôi dạy trẻ. Thông thường trẻ phụ giúp mọi người làm những công việc phù hợp với khả năng và sức khoẻ của trẻ. Thông qua hoạt động này giúp trẻ hiểu chính xác các sự vật và hiện tượng của môi trường tự nhiên, điều này có ý nghĩa to lớn cho tương lai của trẻ khi bước vào cuộc sống tự lập, tự phục vụ bản thân, khi mà không còn các dịch vụ chăm sóc đặc biệt như lúc còn nhỏ.
* Biện pháp 11: Cắt khúc thời gian
Phương pháp này trẻ sẽ được tiếp cận thực tế những đồ vật và hoạt động thực tế đời sống hằng ngày. Người tiến hành phương pháp này là những người nuôi dạy và chăm sóc bé. Từng chi tiết của công việc hướng dẫn được tiến hành trực tiếp trong môi trường sinh hoạt hằng ngày. Vật liệu cho hướng dẫn chính là đồ vật sinh hoạt của gia đình hay một cơ sở chăm chữa trẻ tự kỷ. Người hướng dẫn sẽ phải chia cắt thời gian, cùng những hoạt động sinh hoạt hằng ngày cho phù hợp với tính cách và khả năng từng trẻ. Chia cắt thời gian và chia cắt từng hoạt động chính là đặc trưng cơ bản của phương pháp này.
* Biện pháp 12: ABA:
ABA là ba chữ viết tắt: Applied Behaviour Analysis (Ứng dụng phân tích hành vi). Đây là phương pháp được quan tâm nhiều nhất trong trị liệu trẻ tự kỷ. Nó là chương trình ứng dụng nhằm cải thiện nhiều mặt của trẻ tự kỷ: nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ Những mặt này của trẻ tự kỷ sẽ được thăm khám, quan sát rất kỹ lưỡng; trên cơ sở đó nhà hành vi xây dựng chiến lược trị liệu cho riêng từng trẻ (phương pháp này không thể áp dụng cho nhiều trẻ cùng một lúc), tiến hành chia nhỏ những phân tích, những hành vi mà trẻ cần thực hiện trong chương trình; hành vi sẽ được chia nhỏ để dễ thực hiện nhất. Sự khuyến khích động viên trẻ hợp tác là một điều rất quan trọng của phương pháp; từng trẻ khác nhau sẽ có những đam mê và sở thích khác nhau; nhà hành vi nên hiểu rất rõ điều này để xây dựng kế hoạch khuyến khích cho phù hợp. Đồng thời chương trình này cũng nhấn mạnh việc loại bỏ những hành vi tiêu cực và thay thế bằng những hành vi tích cực, giúp trẻ có ứng xử phù hợp với cuộc sống.
* Biện pháp 13: PECS
PECS được viết tắt bởi bốn chữ trong tiếng Anh là: Picture Exchange Communication System (Hệ thống giao tiếp trao đổi hình ảnh). Hệ thống giao tiếp trao đổi hình ảnh là một công cụ hết sức quan trọng trong việc can thiệp chứng tự kỷ. Trong PECS, ngôn ngữ lời nói được thay thế bằng việc sử dụng thẻ hình cho giao tiếp. Khi trẻ tự kỷ chưa có ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ bị hạn chế, hình ảnh sẽ giúp trẻ yêu cầu người khác và thực hiện yêu cầu của người khác. Hình ảnh lúc này là trung gian để chuyển tải thông tin diễn ra mối quan hệ tương tác giữa trẻ tự kỷ và người lớn. Theo các chuyên gia về phương pháp này thì tình trạng giao tiếp của trẻ khá lên rất nhiều khi sử dụng phương pháp PECS. Đây được coi là phương pháp hỗ trợ cho ngôn ngữ trong giao tiếp và góp phần hình thành ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ.

IV. KẾT QUẢ THU ĐƯỢC QUA KHẢO NGHIỆM, GIÁ TRỊ KHOA HỌC CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

Sau một năm áp dụng các biện pháp trên, tôi đã thu được kết quả như sau:

-Bản thân tôi và các cô giáo ở lớp đã có thêm kinh nghiệm và kỹ năng giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập.

-Có nhiều kinh nghiệm làm đồ dùng, đồ chơi sáng tạo phục vụ cho các góc chơi và các hoat động khác.

-Phụ huynh rất hào hứng để sẵn sàng phối hợp cùng cô giáo trong việc nâng cao chất lượng cho hoat động như: Cung cấp nguyên vật liệu, phế liệu để làm đồ chơi; có ý thức tạo điều kiện cho trẻ được tham gia các lớp học chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ.

-Trẻ đã thích tham gia các hoạt động ở trường, ở lớp có ý thức, không còn chơi một mình, biết chơi cùng bạn, biết ngồi ngoan nghe cô giảng bài.

-Khả năng nghe hiểu lời nói của cháu tiến bộ rõ rệt , cháu không còn la hét,

đã điều chỉnh được hành vi và cảm xúc của mình.

-Cháu biết tập thể dục, biết vẽ, tô màu, dán, khi có sự giúp đỡ của cô

V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1 . Kết luận

Qua một năm thực hiện các biện pháp giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập, tôi nhận thấy đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn của cha mẹ, giáo viên và các lực lượng khác trong cộng đồng. Chỉ có giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập tốt trong môi trường giáo dục bình thường thì trẻ tự kỷ mới có những cơ hội tốt để phát triển hết khả năng và phát huy hết tiềm năng học hỏi.

Chính vì vậy mà là một giáo viên mầm non là người đặt nền móng đầu tiên cho trẻ, đặc biệt là trẻ tự kỷ, giáo viên cần phải quan tâm đặc biệt đến việc tổ chức các hoạt động học, hoạt động hàng ngày, giáo dục trẻ mọi lúc, mọi nơi bằng tình thương, trách nhiệm, sự kiên trì để góp phần hoàn thành tốt mục tiêu và nội dung giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập trong trường mầm non, góp phần giúp trẻ được phát triển toàn diện nhân cách như những đứa trẻ bình thường.

Đạt được kết quả như trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Phòng giáo dục và Đào tạo, của Ban giám hiệu đã quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, chuyên môn về trẻ tự kỷ, sự đoàn kết quyết tâm của tất cả giáo viên tại lớp đã nỗ lực trong việc tạo môi trường giáo dục tốt nhất, phù hợp nhất cho trẻ tự kỷ. Bên cạnh đó là sự quan tâm, phối hợp của các bậc phụ huynh tại lớp.

2. Kiến nghị

- Mỗi giáo viên Mầm non phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng trong việc tổ chức hoạt động giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập tốt trong môi trường giáo dục bình thường.

- Phòng giáo dục và Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục tổ chức các hoạt động chuyên đề Giáo dục trẻ tự kỷ ở các trường điểm, lớp điểm để nhiều giáo viên trong trường và các trường bạn tham dự. Trên đây là một số biện pháp nhỏ của tôi đã áp dụng tại lớp trong việc nâng cao chất lượng hoạt động. giáo dục trẻ tự kỷ học hòa nhập tốt trong môi trường giáo dục bình thường. Kính mong quý cấp trên và đồng nghiệp có ý kiến đóng góp để tôi có nhiều kinh nghiệm hơn nữa trong việc tổ chức các hoạt động của mình.

Tôi xin trân trọng cảm ơn.

Người viết

Đoàn Thị Định


Tổng số điểm của bài viết là: 28 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hiển thị tin liên quan
Tin liên quan

Video liên quan

Đăng nhận xét